Đại tu biên phòng, bảo vệ miền bắc Đàm_Luân

Luân lão luyện việc binh, triều đình dựa vào ông để đánh dẹp, nơi nào có chiến sự lập tức được điều đến, ở chức không khi nào đầy năm. Đến nay giặc giã ở phương nam đã định, nhưng nỗi lo vùng biên chưa thôi. Năm Long Khánh đầu tiên (1567), cấp sự trung Ngô Thì Lai xin triệu Luân, Kế Quang luyện binh. Có chiếu chinh Luân về bộ, tiến làm Tả thị lang kiêm Hữu thiêm đô ngự sử, tổng đốc Kế, Liêu, Bảo Định quân vụ. Luân dâng sớ rằng:

Lính Kế (Trấn) (nay là huyện Kế), Xương (Bình) không đầy 10 vạn, mà già yếu quá nửa, chia thuộc chư tướng, phân tán trong khoảng 2000 dặm. Địch tụ công, ta phân thủ, nhiều ít mạnh yếu không đồng đều, nên có người gấp xin luyện binh. Nhưng bốn cái khó không vượt qua được, binh rốt cục không thể luyện.

Ôi sở trường của địch ở kỵ, nếu không triệu mộ 3 vạn người chuyên cần tập xa chiến, thì không đủ để chế địch. Tính lương tháng của 3 vạn người, hằng năm là 54 vạn, đây là cái khó thứ nhất. Nhuệ khí của binh sĩ Yên, Triệu ở việc biên phòng đã hết, nếu không mộ lính thạo chiến đấu Ngô, Việt 12000 người để dạy các món tạp môn, thì việc ắt không thành. Thần với Kế Quang triệu, họ có thể đến ngay, nhưng nhiều người bàn luận cho rằng không thể. Dùng mà không chuyên, đây là cái khó thứ hai. Quân sự chuộng nghiêm, mà binh sĩ Yên, Triệu vốn kiêu, chợt thấy quân pháp, ắt sợ hãi chấn động lắm. Vả lại nơi này gần kinh sư, lời đồn dễ nảy sinh, khiến cho binh sĩ trung thành và trí tuệ bị lôi kéo mà đình công, nuôi thêm nỗi lo khác, đây là cái khó thứ ba. Binh ta vốn chưa từng gặp địch, đánh mà thắng được, thì đối phương không tâm phục. Nếu có thể lại phá địch, (sẽ khiến kẻ địch) chịu vết thương cả đời, nhưng thói ghen tỵ dễ nảy sinh; muốn tái cất quân, vạ đến trước rồi. Đây là cái khó thứ tư.

Kế hoạch ngày nay, xin điều 3 vạn tiêu binh [6] của Kế Trấn, Chân Định [7], Đại Danh, Tỉnh Hình cho đến đốc phủ (tức tổng đốc, tuần phủ), chia làm 3 doanh, lệnh cho tổng binh, tham (tướng), du (kích) chia ra chỉ huy, rồi thụ cho Kế Quang trách nhiệm làm Tổng lý luyện binh. Xuân thu 2 mùa phòng bị, 3 doanh binh đều dời đến gần biên thùy. (Địch) đến thì ngăn giữ ngoài biên, (địch) vào thì quyết tử trong biên. Hai việc này không hiệu quả, thì thần không dám trốn tội. Nhưng luyện binh không thể sớm tối là xong, này phòng bị mùa thu đã gần, xin nhanh chóng điều 3000 binh Chiết (Giang), để vượt qua lúc cấp bách. 3 năm sau, biên quân đã luyện, sai (họ) về.

Có chiếu đáp ứng mọi điều trong sớ, còn lệnh cho Luân, Kế Quang bàn bạc việc chia lập 3 doanh. Luân nhân đó nói: “Kế Trấn luyện binh đã 10 năm, nhưng không có hiệu quả, là bởi dùng mà không chuyên, làm mà không đến. Nay nên giao trách nhiệm cho thần Luân, Kế Quang, được phép chuyên quyết, chớ để tuần án, tuần quan ngự sử tham dự vào giữa chừng.” Một khi việc binh bắt đầu, quan viên biên phòng sẽ bị dư luận dẫn dắt, không thể làm việc, nên Luân mới nói trước như vậy! Quả nhiên tuần phủ Lưu Ứng Tiết dị nghị, tuần án ngự sử Lưu Tùy, tuần quan ngự sử Tôn Đại Hựu hặc Luân tự chuyên. Minh Mục Tông nghe theo Trương Cư Chánh, đem hết việc binh ủy thác cho Luân, rồi dụ bọn Ứng Tiết không được cản trở.

Luân xem xét mức độ hiểm yếu của các biên ải, đường sá xa gần, chia Kế Trấn làm 12 lộ, mỗi lộ 1 viên tiểu tướng; tổng cộng lập 3 doanh: đông ở Kiến Xương, phòng bị Yên Hà về phía đông, trung ở Tam Đồn phòng bị Mã Lan, Tùng, Thái, tây ở Thạch Hạp phòng bị Tào Tường, Cổ Thạch. Chư tướng theo mùa huấn luyện, hỗ trợ lẫn nhau, mệnh lệnh rõ ràng. Mùa thu năm ấy, Kế, Xương không có cảnh báo. Khác với khi xưa phải điều binh Thiểm Tây, Hà Gian, Chánh Định đến phòng bị mùa thu, đến đây thì bãi bỏ. Luân mới đến, tuần hành biên tái, nói với tướng tá rằng: “Mạt mã lệ binh (cho ngựa ăn, mài đồ binh), ganh nhau được thua từng hơi thở, thích hợp với phương nam; kiên bích thanh dã (tường chắc, đồng trống), ngồi đợi chế ngự kẻ xâm nhập, thích hợp với phương bắc.” Rồi cùng Kế Quang tính toán phương lược, đắp 3000 Ngự địch đài, từ Cư Dung đến Sơn Hải, khống chế yếu hại. Luân được triệu về làm Hữu đô ngự sử kiêm Binh bộ tả thị lang, Hiệp lý nhung chánh (tức là hiệp trợ xử lý quân sự). Đến lúc đài xây xong, Luân mộ thêm hơn 9000 binh Chiết để giữ. Biên phòng được đại tu, địch không dám xâm phạm; Luân nhờ công được tiến làm Binh bộ thượng thư kiêm Hữu đô ngự sử, Hiệp lý như cũ. Mùa đông năm ấy, Luân xin về hưu.